Bitcoin, đồng tiền số hàng đầu thế giới, vừa trải qua một sự kiện quan trọng mang tên Halving. Đây là thời điểm lượng Bitcoin được khai thác giảm một nửa, một quy trình được lập trình sẵn để kiểm soát lạm phát và duy trì giá trị. Tuy nhiên, sau cú Halving, thị trường đã phản ứng theo nhiều cách khác nhau, để lại những dư âm phức tạp. Có người cười, có người khóc, nhưng cuối cùng, thị trường vẫn là nơi nói lên tất cả. Những nhà đầu tư lâu năm đã chuẩn bị tinh thần cho sự biến động, còn những người mới tham gia thị trường thì có thể cảm thấy bối rối trước những biến động bất ngờ. Dòng tiền chảy vào và ra liên tục, tạo nên một bức tranh sống động và đầy màu sắc.
Cú Halving không chỉ là một sự kiện kỹ thuật, mà còn là một bài kiểm tra thực sự về niềm tin và kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng sau giai đoạn này, Bitcoin sẽ tiếp tục tăng giá do cung giảm đi mà nhu cầu vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, thị trường tiền điện tử luôn đầy rẫy những bất ngờ, và những dự đoán này có thể nhanh chóng bị thay đổi bởi các yếu tố bên ngoài. Những nhà đầu tư thông minh sẽ không chỉ dựa vào các dự báo, mà còn phải theo dõi sát sao các biến động thị trường, phân tích kỹ lưỡng và đưa ra quyết định dựa trên những thông tin cập nhật nhất. Dù kết quả cuối cùng có ra sao, cú Halving này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử của Bitcoin và thị trường tiền điện tử.
Bitcoin Halving: Cơ chế kiểm soát nguồn cung và tạo sự khan hiếm
Bitcoin Halving, thuật toán do “cha đẻ” của Bitcoin, Satoshi Nakamoto, tạo ra vào năm 2008, là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp kiểm soát nguồn cung của đồng tiền số này. Ban đầu, thuật toán này được áp dụng cho các thợ “đào” Bitcoin, những người trực tiếp tạo ra BTC bằng cách xác thực giao dịch thông qua việc giải các bài toán phức tạp để mở khối mới (block). Mỗi khi một khối mới được tạo ra, thợ đào sẽ nhận được một lượng BTC nhất định, được gọi là phần thưởng.
Để tránh tình trạng lạm phát do quá nhiều thợ đào tham gia, Satoshi Nakamoto đã thêm một đoạn mã để sau mỗi 210.000 khối khai thác (khoảng 4 năm), phần thưởng sẽ giảm một nửa. Cơ chế này được gọi là Bitcoin Halving, hay việc “giảm nửa” phần thưởng. Việc giảm nửa phần thưởng giúp kiểm soát nguồn cung Bitcoin, tạo ra sự khan hiếm và loại bỏ những thợ đào không hiệu quả khỏi mạng lưới.
Theo ông David Weisberger, Giám đốc điều hành của nền tảng giao dịch Coin Routes, hiện tại, Bitcoin có tỷ lệ lạm phát dưới 2%, và tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 1% sau đợt halving sắp tới. Ba lần halving trước đây đã diễn ra vào các năm 2012, 2016, và 2020. Trong đợt đầu tiên, phần thưởng cho thợ đào đã giảm từ 50 xuống còn 25 BTC cho mỗi khối khai thác. Năm 2016, phần thưởng giảm xuống còn 12,5 BTC, và từ ngày 11/5/2020, thợ đào nhận 6,25 BTC khi mỗi khối mới được tạo. Dự kiến, với sự kiện halving vào tháng 4 này, phần thưởng của thợ đào sẽ giảm xuống còn 3,125 BTC. Chu kỳ này sẽ tiếp diễn cho đến khi tổng cộng 21 triệu BTC trên toàn mạng được khai thác hết, dự kiến vào năm 2140.
Tác động của Bitcoin Halving đến thị trường tiền điện tử
Will Clemente, người sáng lập Reflexivity Research và đồng thời là nhà đầu cơ tiền điện tử, cho rằng Bitcoin Halving là một cú sốc về nguồn cung trên thị trường. Khi tổng lượng cung bị cắt giảm một nửa, từ quan điểm cung – cầu, nguồn cung trên thị trường sẽ giảm, dẫn đến giá tăng lên, ngay cả khi nhu cầu không thay đổi.
Lịch sử các kỳ halving cho thấy năm 2012, giá 1 BTC đã tăng 8% trong năm sau khi giảm một nửa. Bitcoin đã tăng lên khoảng 20.000 USD vào cuối năm 2017 từ mức khoảng 650 USD trong đợt giảm nửa năm 2016, tương đương mức tăng khoảng 284%. Tương tự, đồng tiền số này đạt mức cao kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11/2021 sau khi giao dịch quanh mức 8.800 USD trước đợt halving năm 2020, theo ghi chú của Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số tại VanEck.
Từ đầu năm 2024, những điều kiện thuận lợi từ việc chính quyền Mỹ chấp thuận các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, cùng sự phấn khởi trước sự kiện halving, đã giúp giá của đồng tiền số lớn nhất thế giới tăng mạnh và lập kỷ lục mới. Cụ thể, tháng 3 vừa qua, giá BTC đã đạt mức cao nhất lịch sử là 73.780 USD/BTC. Tính từ đầu năm 2024 tới ngày 15/4, đồng tiền này đã tăng gần 46% giá trị và đang được giao dịch quanh ngưỡng 64.000 USD.
Khi sự kiện halving đến gần, khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung đã tăng vọt trong 2 tháng qua, khi các nhà đầu tư và nhà giao dịch chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện này.
Tác động tiêu cực đến các công ty khai thác
Trái với niềm vui của các nhà đầu tư kỳ vọng giá BTC sẽ tăng sau halving, các công ty tiền điện tử sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu trị giá hàng tỷ USD do chi phí tăng cao. Theo Bloomberg, dựa trên giá trị hiện tại của BTC, sự kiện này có thể gây ra tổn thất doanh thu khoảng 10 tỷ USD mỗi năm cho toàn ngành.
Khi việc khai thác khối ngày càng khó khăn, nhiều công ty trong ngành như Marathon Digital Holdings, Clean Spark… đã chạy đua bằng cách đầu tư vào các thiết bị siêu thanh mới hoặc mua lại các đối thủ nhỏ hơn để tăng cường khả năng khai thác BTC. Người khai thác càng có nhiều sức mạnh tính toán thì càng có nhiều khả năng kiếm được phần thưởng. Tuy nhiên, việc này cũng trở nên khó khăn hơn khi độ khó khai thác (thước đo sức mạnh tính toán để khai thác Bitcoin) đã tăng gần gấp 6 lần kể từ đợt halving năm 2020.
Những người khai thác sẽ cần liên tục chi nhiều tiền hơn trong một cuộc “chạy đua vũ trang công nghệ” không bao giờ kết thúc để có được những phần thưởng nhỏ hơn (vì halving diễn ra sau mỗi 4 năm). Dĩ nhiên, giá BTC tăng vọt đã giúp bù đắp chi phí năng lượng, chi phí đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng trong hoạt động khai thác tiền điện tử.
Theo báo cáo ngày 1/4 của JPMorgan Chase & Co, kể từ khi những chiếc máy chuyên dụng để “đào” coin đầu tiên ra đời vào năm 2013, tổng vốn hóa thị trường của 14 công ty khai thác niêm yết tại Mỹ đã tăng lên khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu tiền điện tử TheMinerMag, mặc dù các công ty khai thác được niêm yết tại Mỹ là bộ mặt của ngành, họ chỉ chiếm khoảng 20% sức mạnh tính toán. 80% sức mạnh còn lại thuộc về các công ty khai thác tư nhân – những bên dễ bị tổn thương hơn sau halving vì không thể huy động vốn một cách dễ dàng.
Năm 2021, ước tính cả các công ty khai thác công và tư nhân đã vay tới 4 tỷ USD để mua thiết bị khai thác, thông qua việc liên tục bán BTC, vay nợ hoặc phát hành trái phiếu. Nhưng việc huy động vốn ngày càng khó khăn khi hàng loạt người cho vay phá sản trong cuộc khủng hoảng thị trường tiền điện tử vào năm 2022.
Và trong khi quá trình xác nhận tiêu tốn nhiều năng lượng luôn khiến việc khai thác trở nên tốn kém, các công ty này cũng phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn để đảm bảo được một giá điện ưu đãi từ các công ty tiện ích, cạnh tranh với ngành công nghiệp AI non trẻ đang thu hút một lượng vốn và nguồn cung điện ưu đãi khổng lồ.
Dự đoán và lưu ý từ các chuyên gia
Được coi là sự kiện quan trọng nhất đối với thị trường tiền điện tử trong năm 2024, các chuyên gia trong ngành đều đưa ra những dự đoán và lưu ý khác nhau về Bitcoin Halving. Ông Michael Novogratz, CEO của Galaxy Digital, bày tỏ niềm tin rằng giá Bitcoin có thể tăng vọt lên mức 150.000 USD sau khi halving.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Marathon Digital Holdings, Fred Thiel, lặp lại quan điểm về sự tăng trưởng đáng kể sau halving, với kỳ vọng Bitcoin sẽ đạt mốc 120.000 USD. Ông cho rằng sự tăng trưởng tiềm năng này là do nguồn cung hữu hạn của Bitcoin và vai trò của nó như một kho lưu trữ giá trị.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư chuẩn bị sẵn tâm lý cho sự kiện sắp tới. Lịch sử của Bitcoin cho thấy sự biến động giá ngày càng mạnh mẽ, theo cả hướng lên và xuống quanh thời gian halving, nên nhà đầu tư phải chuẩn bị cho sự biến động tiềm ẩn này và hiểu rằng thị trường có thể gặp những biến động đột ngột và khó lường.
Mặc dù theo nguyên tắc cung – cầu, giá BTC có thể tăng sau halving, nhưng không có đủ bằng chứng và dữ liệu để khẳng định điều này. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên tính tới chuyện “ăn xổi” lợi nhuận ngắn hạn sau halving.